Liên quan đến vụ cháy chung cư mini đêm 12/9 ở Khương Hạ, Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội), theo tìm hiểu của phóng viên, có nhiều căn hộ tại đây đã được bán và cũng có căn hộ đang cho thuê. Thậm chí, một số hộ dân sinh sống tại đây không biết chủ xây dựng chung cư này là ai.

Bà Liên - một người dân sinh sống chung cư mini số 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ cho biết: "Có 8 căn người ta mua lại rồi cho thuê, chỉ có hợp đồng mua bán thôi". 

Ngoài ra, bà Liên cho biết thêm, dân cư đã yêu cầu chủ đầu tư thực hiện quy định về PCCC nhiều lần nhưng mãi họ không làm, các hộ dân phải tự cắt "chuồng cọp" để có lối thoát hiểm. Trong vụ cháy, nhiều gia đình đã may mắn thoát chết nhờ lối đi đó.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Giám đốc Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X) cho biết, pháp luật hiện nay chưa có khái niệm về chung cư mini. Do chưa có ghi nhận về hình thức này như một dạng dự án nhà ở thương mại, nên đối với chung cư mini được coi như nhà ở riêng lẻ.

"Chung cư mini là tên quen gọi của người dân, tức là những căn hộ nhỏ cho thuê hay bán, chủ sở hữu chung. Còn để xin phép xây được chung cư mini thì không có cơ quan nào có thẩm quyền cấp phép cho xây ở ngách nhỏ của Khương Hạ", Luật sư Nghĩa chia sẻ.
Trường hợp chủ sở hữu bán, cho thuê mua, tặng cho, để thừa kế căn hộ trong nhà ở này cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì quyền sử dụng đất ở gắn với nhà ở này thuộc sử dụng chung của các đối tượng đã mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế căn hộ.

330596976-1280872112-1694999895.jpg
Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Giám đốc Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X)

Tuy nhiên, cần lưu ý, đối với loại hình chung cư mini - nhà ở riêng lẻ nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định sẽ được cấp giấy chứng nhận cho từng căn hộ. Còn trong trường hợp chung cư mini không thỏa mãn các điều kiện luật định thì chỉ được cấp một giấy chứng nhận cho cả tòa nhà và có thể có tên của các đồng chủ sở hữu.

"Dù dưới dạng nhà ở riêng lẻ vẫn phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy chuẩn luật định đảm bảo công trình xây dựng đúng quy hoạch, an toàn PCCC. Nếu công trình xây dựng vi phạm các quy định về PCCC dẫn đến hậu quả nghiêm trọng (thiệt hại về người và tài sản) thì bên bán/cho thuê căn hộ phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại về người và tài sản do hành vi vi phạm của mình gây ra", Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Theo điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Bộ luật Hình sự 2017), người vi phạm quy định về PCCC có thể đối mặt với các khung hình phạt sau:
- Người nào vi phạm quy định về PCCC gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:
Làm chết 02 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
Làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.