Những ngày gần đây cộng đồng mạng chưa hết xót xa về trường hợp của 1 cô giáo trẻ ở Hà Nội qua đời vì đột quỵ khi mới 34 tuổi thì bất ngờ nhận một tin dữ - dạnh hài Chí Tài qua đời ở tuổi 62 sau một cơn đột quỵ. 

Có thể thấy, bệnh lý đột quỵ có thể gặp ở bất kì ai, từ người lớn tuổi đến người trẻ tuổi. Theo số liệu thống kê gần đây cho thấy, đột quỵ đang có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa, gia tăng mạnh từ 40-45 tuổi, thậm chí có những ca bệnh mới chỉ 20 tuổi. 

Để tránh những nguy cơ về đột quỵ, bài viết sau đây sẽ cung cấp tới độc giả những thông tin hữu ích về bệnh lý cấp tính này. 

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não. Đột quỵ não là một hội chứng lâm sàng được đặc trưng bởi sự mất đột ngột cấp tính các chức năng của não (thường khu trú), tồn tại quá 24 giờ hoặc tử vong trước 24 giờ. Các triệu chứng thần kinh khu trú phù hợp với vùng não do động mạch bị tổn thương chi phối, không do nguyên nhân chấn thương.

Có 2 loại đột quỵ là đột quỵ thiếu máu não và đột quỵ chảy máu não.

- Đột quỵ thiếu máu não là dạng thường gặp nhất, chiếm 75 - 85% tất cả các trường hợp đột quỵ. Đột quỵ thiếu máu là tình trạng động mạch não bị hẹp hoặc bị tắc, lưu lượng tuần hoàn tại vùng não do động mạch đó phân bố giảm trầm trọng gây hoại tử, rối loạn chức năng.

- Đột quỵ chảy máu não ít gặp hơn so với đột quỵ thiếu máu não tuy nhiên lại có tỉ lệ tử vong cao hơn. 

dq1-1663649827.jpgẢnh minh họa (Nguồn: Internet).

Các yếu tố nguy cơ đột quỵ

Yếu tố nguy cơ không thể tác động được

 Tuổi, gen, dân tộc, di truyền là những yếu tố không thể tác động đến nhưng sự xuất hiện của nó đặt những đối tượng này vào nhóm nguy cơ cao, do đó cần phát hiện sớm và giải quyết các yếu tố nguy cơ khác để có thể tác động được nhằm giảm tỉ lệ xảy ra đột quỵ. 

Yếu tố nguy cơ có thể tác động được

Tăng huyết áp động mạch, đái tháo đường, các bệnh lý tim mạch, tăng lipid máu, hút thuốc lá, nghiện rượu, béo phì, hẹp động mạch cảnh là những yếu tố có thể tác động được bằng cách thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt, ăn uống hàng ngày. 

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác có khả năng gây đột quỵ như chế độ ăn kiêng, hoạt động thể lực, stress tâm lý, sử dụng thuốc tránh thai chứa nhiều oestrogen...

Dấu hiệu đột quỵ 

Hiệp hội đột quỵ Hoa Kỳ khuyên tất cả mọi người học cách nhận ra những dấu hiệu sau đây của đột quỵ:

- Đột ngột tê hay yếu mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một nửa cơ thể.

- Đột ngột lú lẫn, rối loạn hay không hiểu lời nói.

- Đột ngột rối loạn thị giác ở một bên hay hai bên.

- Đột ngột rối loạn việc đi đứng, choáng váng, mất thăng bằng hay mất khả năng phối hợp động tác.

- Đột ngột đau đầu nhiều không rõ nguyên nhân.

Cách phòng tránh đột quỵ

- Duy trì lối sống lành mạnh: Duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày giúp cơ thể dẻo dai, nâng cao thể trạng. Không thức khuya, không sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khác. 

- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng quyết định đến những nguy cơ gây đột quỵ có thể tác động được. Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp kiểm soát tốt tình trạng tăng huyết áp, các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường...

Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, bổ sung protein cho cơ thể thông qua các món ăn từ hải sản, thịt trắng. Hạn chế ăn các loại thịt đỏ, thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên rán, thức ăn nhanh, đồ đóng hộp. 

dq2-1663649827.jpgBổ sung nhiều rau xanh, trái cây cho cơ thể.

- Giữ ấm cơ thể: Nhiễm lạnh là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp, gây vỡ mạch máu. Vì vậy luôn phải giữ ấm cơ thể, đặc biệt trong mùa đông lạnh. 

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Thường xuyên kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm những yếu tố nguy cơ đột quỵ và có những can thiệp kịp thời. 

(Nguồn: Trung tâm Đột quỵ não - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108).