Vụ việc hàng chục người dân vùng cao, biên giới của tỉnh Sơn La bị lừa mất tiền tiết kiệm khi gửi tại Bưu điện huyện Sốp Cộp đang thu hút sự quan tâm dư luận. Điển hình như trường hợp của chị V.T.H (xã Sốp Cộp) tháng 4 vừa qua đã đến đây mở sổ tiết kiệm 200 triệu đồng;  sau đó mở thêm 1 khoản tiết kiệm nữa với số tiền 150 triệu đồng. Tất cả quá trình gửi tiền đều diễn ra tại quầy giao dịch và có camera ghi lại, kèm theo tờ giấy có dấu đỏ xác nhận "đã thu tiền".

Tuy nhiên theo chị H, sau khi gửi xong, giao dịch viên Vì Thị Thảo báo rằng vì một số nguyên nhân lỗi hệ thống nên chưa thể cấp sổ, hẹn chị lấy sau. Sau rất nhiều lần gọi điện, nhắn tin hỏi thì nhân viên Thảo luôn đưa ra lí do để trốn tránh việc trả sổ.

Quá bức xúc, chị H đã đến Bưu điện huyện Sốp Cộp để phản ánh thì tá hỏa khi cả 2 sổ tiết kiệm của chị chưa được ghi nhận vào hệ thống.

tiet-kiem5-01-1683733792.jpg
Hàng tỉ đồng của người dân vùng cao Sốp Cộp bốc hơi khi gửi tiết kiệm tại bưu điện huyện. Ảnh: Khánh Linh/ Báo Lao Động

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ có chị H, mà hiện có tới 17 người dân (trú tại các xã Sốp Cộp, Nậm Lạnh, Púng Bánh) đã bị mất tiền khi gửi tiết kiệm tại bưu điện huyện Sốp Cộp. Tổng số tiền lên đến 2,2 tỉ đồng.

Ngay sau khi nhận được thông tin về sự việc, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã yêu cầu Bưu điện tỉnh Sơn La, Bưu điện huyện Sốp Cộp phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương để khẩn trương làm rõ sự việc, đảm bảo tối đa quyền lợi chính đáng của khách hàng.

Theo dõi vụ việc trên báo chí, luật sư Lê Hoàng Phúc An (Hệ thống dịch vụ pháp lý Luật sư X) cho biết, hành vi của giao dịch viên Vi Thị Thảo có dấu hiệu của tội lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chiếm đoạt tài sản tuỳ thuộc vào mục đích chiếm đoạt có trước hay có sau hành vi gian dối.

z4209942012314-dac9ffc2300b6260013c336e0ce488b6-1683733792.jpg
Luật sư Lê Hoàng Phúc An (Hệ thống dịch vụ pháp lý Luật sư X).

Theo khoản 4 Điều 355 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

Điều 355. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

Ngoài ra Vì Thị Thảo còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Về câu hỏi trách nhiệm của Bưu điện ra sao, vị chuyên gia cho biết: Trách nhiệm của Bưu điện và cá nhân có liên quan như thế nào thì còn phải dựa trên kết quả điều tra, giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền. 

Nếu giao dịch viên là người thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền gửi của khách thì Bưu điện phải là người trình báo, phối hợp cùng Công an vì phía Bưu điện đang là bị hại trong vụ án hình sự.

Tuy nhiên, xét thấy kết quả điều tra phía Bưu điện có lỗi, mà “né tránh” trách nhiệm, không bồi thường cho khách hàng thì khách hàng hoàn toàn có quyền khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu ngân hàng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho khách hàng.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần có sự nghiên cứu, xem xét khách quan và toàn diện, các quy định của pháp luật có liên quan, đặc biệt là quy định rõ hơn trách nhiệm pháp lý của các tổ chức nhận tiền gửi, cũng như đơn giản hóa trình tự, thủ tục giải quyết, để bảo vệ thỏa đáng quyền lợi của các khách hàng, tránh “chối bỏ”, đùn đẩy trách nhiệm, cũng như việc khách hàng đã “bị mất tiền oan”, lại còn phải tham gia quá trình kiện tụng kéo dài, phức tạp, gây tốn kém và mệt mỏi cho khách hàng.

tiet-kiem2-1683733791.jpg
Hàng tỉ đồng của người dân vùng cao Sốp Cộp bốc hơi khi gửi tiết kiệm tại bưu điện huyện. Ảnh: Khánh Linh/ Báo Lao Động

Qua vụ việc trên, luật sư Lê Hoàng Phúc An đưa ra lời khuyên cho người dân khi gửi tiền tiết kiệm tại bưu điện.

Khi đi mở sổ tiết kiệm, cần cẩn trọng vì có thể bị lừa mọi người cần lưu ý như sau:

- Không Ký sẵn chứng từ, nhờ người khác gửi hộ

- Nên đến trực tiếp phòng giao dịch để mở sổ dù có hơi mắc công nhưng là cách đảm bảo nhất.

-  Ngoài việc đến bưu điện thì mọi người nên mở sổ đúng quy trình, giao tiền và nhận đủ sổ cũng như chứng từ xác nhận. Nhiều người là khách hàng thân thiết của bưu điện nên nhân viên quen mặt. Cũng lợi dụng điều này mà một số nhân viên sẽ cố tạo mối quan hệ tốt, lấy lòng tin để tiện cho việc chiếm đoạt. Bằng cách khách đến gửi tiền mà sợ chờ đợi lâu nên nhân viên bảo về đi, lần sau đến lấy sổ tiết kiệm và chứng từ.

- Sau khi gửi tiền tiết kiệm và nhận sổ hãy kiểm tra chi tiết nội dung. Để tránh rủi ro số tiền tiết kiệm bị nhập nhầm vào hệ thống, việc cần làm ngay sau khi nhận sổ là phải kiểm lại nội dung và sổ, nhất là số tiền, dễ bị nhầm nhất là dư hoặc thiếu số 0.