“Chiêu trò” bán hàng bất chấp của thị trường TPCN, TPBVSK

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu về chăm sóc sức khoẻ của người dân ngày càng được nâng cao, ai cũng muốn tìm cho bản thân và gia đình những thực phẩm an toàn, lành tính để tăng cường bảo vệ và cải thiện tình trạng sức khoẻ, nhất là các loại dược phẩm an toàn, hay các dòng TPCN, TPBVSK.

z3557706592467-fae5b01b3be0675f34ebfad3f22b7345-1657509863.jpgChân dung giám đốc Công ty Bionex Medical Nguyễn Thị Nhung

Nắm bắt được những nhu cầu tất yếu đó, hàng loạt các công ty sản xuất, buôn bán kinh doanh thương mại mới “mọc lên như nấm sau mưa” cùng với những nội dung quảng cáo “nổ tung trời”,“thổi phồng” công dụng TPBVSK, TPCN như những thần dược chữa bách bệnh trên đời mà bệnh viện, hay thuốc gì không chữa khỏi, thì các “thần y online” này “nổ” khỏi hết, nhẹ thì một liệu trình, năng thì vài liệu trình. Với những “chiêu trò” hết sức tinh vi, khôn ngoan như đã nêu ở trên, vô số các nhãn hàng dựng lên những ông, bà “thần y thời @”  không cần bằng cấp, không chuyên môn, chỉ cần biết “nổ theo kịch bản” phán bệnh, bán thuốc, hù doạ bệnh nhân và thu lợi nhuận.

Suốt những năm qua, không biết bao nhiêu lần Cục ATTP, các cơ quan chức năng liên quan phát đi các thông báo cảnh báo người tiêu dùng thận trọng, không mua, không sử dụng các sản phẩm TPBVSK, TPCN quảng cáo tràn lan quá công dụng gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh trên các kênh mạng xã hội, các website. Cùng với đó là những biện pháp xử lý, xử phạt hành chính, thu hồi các sản phẩm không đạt, hoặc chứa chất cấm của không ít các công ty, đơn vị sản xuất, kinh doanh buôn bán sản phẩm dạng này. Tuy nhiên vấn nạn này vẫn không hề thuyên giảm. Thậm chí chúng còn hoạt động ngày một tinh vi hơn, nhằm vừa qua mặt được giới chức năng, vừa “lùa được gà”.

Trong đó, chú ý nhất là Nhóm GOBIG của ông bà trùm TPCN Nguyễn Đình Dương và Nguyễn Thị Nhung.

 “Ve sầu thoát xác” và những hiểm hoạ khôn lường

Suốt năm 2021, không biết bao nhiêu tờ báo đã điểm mặt, bêu tên các dòng sản phẩm, các công ty, từ sản xuất đến kinh doanh buôn bán của ông bà “trùm” này với gần trăm loại sản phẩm khác nhau từ Dạ dày (Yakumi), giảm cân (GM Diet), đến “nở ngực” (Đào Thi), sinh lý (Zawa, Gen X), … với những “mánh khoé” hết sức tinh vi, mạo danh bác sĩ của Trường Đại học Y, nâng tầm sản phẩm, sau đó “thổi phồng” công nghệ sản xuất từ Nhật đến Mỹ,… để “chăn dắt” người bệnh mua và sử dụng sản phẩm.

Trước thực trạng như trên, giới chức năng đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra và xử lý, xử phạt, thu hồi hàng loạt các sản phẩm, các công ty của ông bà “trùm” này. Đồng thời một loạt các thông báo cảnh báo người tiêu dùng không mua không sử dụng các sản phẩm có tên “Zawa, Gen X, GM Diet,…” nếu phát hiện cơ sở nào bán thì báo ngay cơ quan chức năng gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời đi khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Sau một loạt các sai phạm trầm trọng, làm tổn hại biết bao nhiều sức khoẻ và tài chính của người tiêu dùng, những tưởng ông bà “trùm” Nguyễn Đình Dương, Nguyễn Thị Nhung, biết sai, hối hận, sửa đổi nên đã xin tự đóng cửa nhà máy sản xuất TPBVSK quy mô có tên là Công ty cổ phần nghiên cứu và phát triển Dược phẩm Genphar, thay vào đó là Công ty cổ phần công nghệ cao Bionex Medical có địa chỉ tại tỉnh Hưng Yên để “cải tà quy chinh”, đem đến cho người dân một thế giới thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, an toàn và uy tín.

bio2-1657439406.jpg

Nhà máy Bionex Medical có địa chỉ tại KCN Yên Mỹ II, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

 

Thế nhưng không.

Bionex Medical chỉ là chiêu thức “Ve sầu thoát xác” của ông bà “trùm” này từ nhà máy cũ Genphar. Bởi, ngay từ sản phẩm mẫu test sinh lý nam đầu tiên mà Bionex Medical gửi cho đối tác thử đã chứa tới 02 chất cấm là Nortadalafil và Chloropretadalafil.

Đây là các chất cấm mà năm 2020 Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra cảnh báo về việc Singapore phát hiện các sản phẩm thực phẩm có chứa chất cấm có trong một số loại thực phẩm bán tại Singapore. Trong đó có loại kẹo Hamer Candies, bị phát hiện chứa - N-desmethyl Tadalafil. (Nội dung cụ thể được đăng trên Báo điện tử Dân Trí số ra ngày 02/11/2020 tại bài viết “Kẹo chứa chất cấm được quảng cáo giúp tăng cường sinh lý cho cánh mày râu”).

Theo HSA, Nortadalafil có liên quan về mặt hóa học với Tadalafil, một loại thuốc kê đơn dùng để điều trị chứng rối loạn cương dương ở nam giới. Bởi vậy, Tadalafil chỉ nên được sử dụng dưới sự giám sát y tế. Việc sử dụng Tadalafil không thích hợp sẽ khiến người tiêu dùng có nguy cơ gia tăng các tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm đột quỵ, đau tim, huyết áp thấp và chứng priapism (cương cứng gây đau đớn và quá lâu).

Nó cũng không nên được sử dụng cho những bệnh nhân đang dùng thuốc điều trị bệnh tim, vì có thể gây ra huyết áp thấp đe dọa tính mạng, có thể dẫn đến tử vong. Do cấu trúc hóa học tương tự của chúng, Nortadalafil có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm như trên.

Tương tự như Nortadalafil, Chloropretadalafil cũng vậy. Đây cũng là một trong số các chất cấm mà năm 2020, VFA, Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HSA) đã có thông báo về việc thu hồi tất cả các lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe IMPACTRA do phát hiện có chứa Sildenafil, Tadalafil và Chloropretadalafil bán tại Singapore.

Bởi, khi sử dụng Tadalafil không thích hợp sẽ có bất lợi xảy ra, nhẹ là cảm giác nóng hay mẩn đỏ ở mặt, cổ, ngực, hay nghẹt mũi, đau đầu, vấn đề về trí nhớ, khó chịu ở dạ dày, đau lưng..., nặng hơn gây mất thị lực đột ngột, ù tai hoặc mất thính lực đột ngột, đau ngực hoặc cảm giác nặng nề, đau lan ra cánh tay hoặc vai, buồn nôn, ra mồ hôi, cảm giác bị bệnh, nhịp tim không đều, sưng tay, mắt cá chân hoặc bàn chân, khó thở, thay đổi tầm nhìn, cảm giác sảng, ngất xỉu, đau tim, đột quỵ, cương cứng dương vật đau đớn hoặc kéo dài 4 giờ.

Đây là chất, thuộc nhóm chất cấm được quy định tại mục 74 của Phụ lục danh mục các chất ban hành kèm theo Thông tư số 10/2021/TT-BYT ngày 30 tháng 6 năm 2021 quy định danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Điều đáng nói là, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) đã khẳng định đây là 02 chất cấm nguy hiểm, “đừng có dùng” nhưng bà Tạ Mai Phương – Giám đốc kinh doanh nhà Bionex Medical lại phản hồi với đối tác rằng 02 chất trên không phải là chất cấm của Bộ Y tế. Tuy nhiên sau đó vị này lại nói nếu là chất cấm xin nhận trách nhiệm và sẽ tìm hiểu nguyên nhân.

kiem-nghiem-1657439413.jpg

Kết quả kiểm định sản phẩm mẫu test sinh lý nhanh cho nam do Công ty cổ phần công nghệ cao Bionex Medical gửi cho đối tác có chứa 02 chất cấm Nortadalafil và Chloropretadalafil. 

Một đơn vị sản xuất TPCN, TPBVSK với quy mô lớn như Bionex Medical mà không biết đâu là chất cấm trong sản phẩm TPBVSK, TPCN thì liệu các sản phẩm khác của nhà này có được đảm bảo hay không?

Trong khi đó, theo các thông tin bà Mai Phương chia sẻ trước đó thì doanh thu từ sản phẩm sinh lý Zawa của nhà này lên tới gần 50 tỷ/tháng. Sản phẩm Zawa cũng là một trong số các sản phẩm mà năm 2021 liên tục, liên tục bị bêu tên khắp các mặt báo, liên ngành giới chức năng phải vào cuộc vì tội mạo danh hồ sơ công bố sản phẩm.

Còn về giá của sản phẩm, theo thông tin từ bà Mai Phương, giá thực tế của mỗi viên sản phẩm này chỉ là 8000 đồng/viên; một hộp 10 viên có giá 92.000 đồng trọn gói cho cả hộp cứng cartton lạnh, khay lót nhung, co màng. Nhưng khi bán ra thị trường, Bà Phương khuyên nên bán với giá 900.000 – 1.000.000 đồng/hộp 10 viên cho dòng sinh lý nam nhanh này.

Phải chăng với những lợi nhuận siêu hấp dẫn “một vốn 10 lời” như trên mà nhãn hàng này sản xuất, buôn bán bất chấp các quy định pháp luật, cũng như sức khoẻ và tài chính của người tiêu dùng?

Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc thanh kiểm tra toàn bộ các sản phẩm nhà máy này. Và xử lý nghiêm các sai phạm để bảo vệ quyền, lợi ích cho người tiêu dùng cũng như đảm bảo cho thị trường TPBVSK, TPCN được trong sạch.