Giun kim hẳn là không còn xa lạ với nhiều người, đặc biệt với các phụ huynh có con nhỏ đang tuổi đi học. Đúng như tên gọi của nó, giun kim có hình dạng giống như chiếc kim khâu, khi trẻ bị nhiễm giun kim sẽ gây ra cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
Giun kim trưởng thành thường sống ở đại tràng, trực tràng - hậu môn. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp giun lạc đến sinh sống ở bộ phận sinh dục, da... Loại giun này thường đi đẻ vào ban đêm gây nên vào ban đêm, trẻ nhỏ sẽ có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
Giun kim lây như thế nào?
Giun kim thường lây qua đường ăn uống: Do giun kim gây nên cảm giác ngứa ngáy, khó chịu sẽ khiến trẻ nhỏ dùng tay gãi ngứa trực tiếp ở vùng hậu môn, sau đó lại đưa tay lên cầm nắm thức ăn hoặc mút tay. Với trẻ ở độ tuổi đi học, sinh hoạt tập thể sẽ càng có nhiều điều kiện và nguy cơ để giun kim phát triển và lây nhiễm chéo giữa các bạn nhỏ.
Triệu chứng và dấu hiệu khi nhiễm giun kim
Giun kim hầu như không làm nguy hại cho trẻ nhỏ, chúng chủ yếu ảnh hưởng đến tâm lý, giấc ngủ của trẻ và gia đình.
Triệu chứng thường gặp nhất khi trẻ nhiễm giun kim là ngứa hậu môn, mất ngủ, bồn chồn, đỏ hậu môn.
Biểu hiện ít gặp khác : khi trẻ đi cầu có thể thấy sự xuất hiện của giun kim trong phân, ngứa âm hộ...
Để chẩn đoán nhiễm giun kim ở trẻ, các bác sĩ có thể thực hành dán băng dính trắng vào hậu môn trẻ, vào ít nhất 3 buổi sáng khi trẻ còn chưa đi vệ sinh hay tắm. Sau đó nhìn trên kính hiển vi, hoặc quan sát giun trưởng thành trực tiếp bằng mắt thường.
Điều trị giun kim ở trẻ nhỏ
Khi trẻ được phát hiện nhiễm giun kim, các bác sĩ sẽ kê thuốc tẩy giun cho bé và gia đình. Một vài thuốc tẩy giun thông dụng như: albendazole, menbendazole, pyrantel...
Trẻ có thể bắt đầu được tẩy giun sau 12 tháng tuổi và tẩy giun 6 tháng 1 lần hoặc 1 năm 1 lần. Phụ huynh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều dùng của thuốc tẩy giun với độ tuổi của bé nhà mình trước khi cho trẻ uống.
Cách phòng tránh giun kim ở trẻ
Trước tiên, phụ huynh cần hiểu rõ rằng, không phải bất cứ trẻ nào nhiễm giun kim đều do vệ sinh kém. Tuy nhiên, gia đình cần động viên, hướng dẫn trẻ:
+) Thực hành thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà bông trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
+) Cắt móng tay thường xuyên, không mút ngón tay, không cắn móng tay.
+) Giặt sạch chăn chiếu, quần áo, đồ dùng của trẻ, lưu ý không giũ mạnh để tránh làm lan tỏa trứng giun.
+) Thực hiện ăn chín uống sôi trong gia đình.
+) Không để trẻ mặc quần hở đũng, nên rửa hậu môn cho trẻ hàng ngày bằng xà phòng vào các buổi sáng.
* Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho chẩn đoán và điều trị.