Bàn luận về điều này, ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, tình trạng “xe to bồi thường xe bé” là do thực thi pháp luật kém, bên cạnh đó có một phần lỗi do lập pháp khi đặt ra những quy định định tính.

Theo ông Sơn, hệ thống pháp luật hiện hành có tồn tại một số quy định mang tính chất định tính khiến người áp dụng, thi hành pháp luật lúng túng, không biết phân tích, xác định cụ thể thế nào.

“Đã định tính thì rất nguy hiểm, trong áp dụng dễ tuỳ tiện và tuỳ tiện theo kiểu tiêu cực. Ví dụ rõ nét nhất về quy định mang tính chất định tính là vấn đề “không làm chủ tốc độ”. Dân lái ô tô rất sợ rằng hễ có tai nạn, nếu không tìm ra lỗi vi phạm thì cơ quan công an lại quy lỗi “không làm chủ tốc độ”. Đấy là cách quy định chết người, không phù hợp”, ông Sơn nói.

Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho hay, không ít vụ việc khi phương tiện đang đi đúng làn đường, đúng tốc độ, không vi phạm, thì đột nhiên một phương tiện khác đi ngược đường đâm trực diện hoặc phương tiện phía trước lùi lại và xảy ra tai nạn. Lực lượng chức năng không tìm ra lỗi lại quy vào “không làm chủ tốc độ”.

Bên cạnh quy định “không làm chủ tốc độ”, ông Sơn nhận định thuật ngữ “nguồn nguy hiểm cao độ” trong khoản 3 Điều 601 Bộ luật Dân sự cũng chưa được luật pháp hướng dẫn cụ thể, rõ ràng.

“Mọi phương tiện có động cơ thì đều là nguồn nguy hiểm cao độ. Pháp luật xác định rằng đã sở hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ thì phải chịu trách nhiệm, trừ trường hợp bên kia có lỗi sai hoàn toàn. Vì vậy, không thể tuỳ tiện áp đặt lỗi cho nguồn nguy hiểm cao độ.

Giả định trong một vụ tai nạn xảy ra trên cao tốc giữa ô tô và xe máy khi xe máy đi ngược chiều ở đoạn đường không được phép lưu thông. Xét về yếu tố lỗi, xe máy sai hoàn toàn, người điều khiển xe máy cố ý vi phạm. Có thể coi đó tương đương như hành vi tự sát. Nói nguồn nguy hiểm cao độ ô tô phải có trách nhiệm là sai”, ông Sơn phân tích.

xe-lon-xe-be-10373231-07380323-1698627953.jpeg
Xe máy vô tư đi vào đường cao tốc khiến cho nhiều xe to phải đền oan khi xảy ra tai nạn.

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X cho biết, quy định “chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi…” (tại khoản 3 Điều 601 Bộ luật dân sự) sẽ được áp dụng nếu xe ô tô đang lưu thông trên đường gặp phải sự cố nổ lốp, mất phanh dẫn đến tai nạn, gây thiệt hại cho người khác. Tai nạn xảy ra là sự cố bất khả kháng ngoài khả năng nhận thức và xử lý của các đối tượng liên quan, khi đó bên để xảy ra sự cố phải bồi thường.

“Mức xử lý, mức xử phạt sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khách quan, chủ quan, khách thể, chủ thể… nên có thể thêm bớt, nhẹ nặng khác nhau. Ví dụ, trường hợp anh biết cái lốp đó không an toàn, các thông tin và chỉ số không đảm bảo nhưng vẫn cố tình lắp vào dẫn đến nổ lốp thì lỗi thuộc về người sử dụng phương tiện, điều này sẽ ảnh hưởng đến mức xử lý vi phạm”, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Nói về hệ quả khi thuật ngữ “nguồn nguy hiểm cao độ” hay quy định mang tính chất định tính “không làm chủ tốc độ” bị áp dụng tuỳ tiện, luật sư nhận định, sẽ dẫn đến những quyết định xử lý tai nạn giao thông sai lầm.

Phải có những hướng dẫn thật cụ thể về sự kiện, sự việc, tính chất, mức độ, diễn biến của hành vi để xác định. Phải nêu rõ hành vi vi phạm, mức độ thiệt hại, hậu quả… rồi mới xác định mức xử lý. Xử lý cái gì, xử lý như thế nào, xử lý bao nhiêu… Đấy mới là quy định thuận tiện và có lợi cho người thực thi pháp luật.

Với lỗi “không làm chủ tốc độ”, phải quy định rõ trường hợp nào là không làm chủ tốc độ, trường hợp nào không làm chủ ở mức độ nặng hay nhẹ để làm căn cứ. Để tránh tình trạng tai nạn giữa hai xe đối đầu hoặc do một xe đi lùi lại quy vào không làm chủ tốc độ.

Đối với quy định “nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại”, theo luật sư, phải quy định rõ những trường hợp nào là lỗi hoàn toàn của người bị thiệt hại. Đặc biệt đối với hành vi xe máy đi vào cao tốc thì phải xem là cố ý, không khác gì tự tử thì nguồn nguy hiểm cao độ ô tô không phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, Giám đốc Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X cho biết, trong khi chưa sửa được luật thì Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Bộ chủ quản cần ban hành văn bản để hướng dẫn cụ thể, quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, từ đó mới khắc phục được nhận thức tuỳ tiện, áp dụng tuỳ tiện, tiêu cực của lực lượng thực thi pháp luật.

“Cơ quan có thẩm quyền cũng cần phải xem xét, nếu quy định hiện hành không còn phù hợp, không đủ nội dung để áp dụng, giải quyết vấn đề trong thực tế, hay nói cách khác là luật lạc hậu, bất cập thì phải sửa đổi”, vị chuyên gia chia sẻ.