Mục sở thị nơi làm việc của các "chuyên gia bắt bệnh online"

Mới đây, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) phát đi cảnh báo về thực phẩm bảo vệ sức khỏe NutriZabet.

Cụ thể, sản phẩm này vi phạm quy định của pháp luật, quảng cáo không đúng công dụng của sản phẩm, không đúng nội dung cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, trong khi thực tế đây chỉ là các thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Thông tin này ngay lập tức gây xôn xao dư luận bởi suốt thời gian qua, nhiều người sử dụng mạng xã hội Facebook hay Tiktok chứng kiến những đoạn quảng cáo "trên trời" của một thanh niên trẻ tự nhận là CEO Nguyễn Tâm liên quan tới sản phẩm này.

Vì sao thực phẩm bảo vệ sức khỏe tNutriZabet bị Bộ Y tế ‘tuýt còi’? - Ảnh 2.

Cảnh báo của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế).

Trong các clip, người này liên tục tung hô loại sữa hạt NutriZabet là tốt nhất thị trường, đảm bảo sẽ đưa người mắc bệnh tiểu đường về ngưỡng cho phép.

Chưa dừng lại ở đó, Nguyễn Tâm còn đăng nhiều clip khoe hình nhận giải thưởng, ngồi tâm sự với người bệnh hay tặng quà tri ân...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực phẩm bảo vệ sức khỏe NutriZabet được tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm ngày 12/5/2021, do Nhà máy Bigfa đặt tại Hòa Bình sản xuất.

Người chịu trách nhiệm là ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TCG Việt Nam (nay đổi thành Taphaco).

Dù có trụ sở được đăng ký tại tầng 1, số 44 đường Nguyễn Viết Xuân, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội, nhưng trên thực tế theo ghi nhận, ông Tâm và nhóm của mình ngồi làm việc ở tòa R4, Royal City (72 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân).

Tại đây, có rất nhiều người trẻ làm việc online, tư vấn khách hàng như những chuyên gia, bác sĩ, dược sĩ. Họ có thể bán cùng lúc nhiều sản phẩm như: Tiểu đường, mọc tóc, mỹ phẩm, xương khớp hay mất ngủ… do nhà máy tại Bigfa sản xuất, thuộc hệ thống Big Holding do ông Lê Văn Trung làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Vì sao sản phẩm tiểu đường NutriZabet bị Bộ Y tế ‘tuýt còi’? - Ảnh 3.
Vì sao sản phẩm tiểu đường NutriZabet bị Bộ Y tế ‘tuýt còi’? - Ảnh 2.

Nơi làm việc của những “chuyên gia online”, “bác sĩ online” chuyên tư vấn, bán sản phẩm tiểu đường NutriZabet.

Ở đây, chúng tôi được chứng kiến các nhân viên thường gọi sản phẩm của mình là "Đông y", chê bai các phương pháp chữa bệnh bằng Tây y, Nam y và cam kết bệnh nhân chỉ cần dùng từ 3 đến 6 tháng là đường huyết sẽ ổn định, an toàn.

"Uống thuốc tây nhiều rất hại. Tiêm insulin cũng hại. Gan thận hư hết. Uống NutriZabet sẽ trị tận gốc bệnh. Không phải uống thuốc tây, không phải tiêm…", N.T.T (SN 2002) tự xưng là chuyên gia, tư vấn cho người bệnh qua điện thoại.

Đủ các chiêu trò xảo trá

Không chỉ có ông Nguyễn Văn Tâm, song hành cùng sản phẩm NutriZabet còn có bà An Thị Dung, thường xuyên mặc quần áo của bệnh viện Tuệ Tĩnh, giới thiệu là Viện trưởng Viện Nghiên cứu bảo vệ sức khỏe quốc tế.

Vì sao thực phẩm bảo vệ sức khỏe tNutriZabet bị Bộ Y tế ‘tuýt còi’? - Ảnh 5.

Bà An Thị Dung liên tục xuất hiện cùng chiếc áo bác sĩ có in tên Bệnh viện Tuệ Tĩnh để quảng cáo sản phẩm.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, không tồn tại cái gọi là Viện Nghiên cứu bảo vệ sức khỏe quốc tế.

Theo mã số thuế được công bố là 0110048886, chỉ có Viện nghiên cứu Thực phẩm bảo vệ sức khỏe do bà An Thị Dung đứng tên.

Đáng chú ý, đây chỉ là một cơ sở tư nhân, được Công ty Big Holding của ông Lê Văn Trung đăng ký thành lập ngày 20/6/2022. Điều này đồng nghĩa, Viện này còn thành lập sau khi sản phẩm NutriZabet ra đời.

Theo địa chỉ ghi trên đăng ký, chúng tôi tìm đến tầng 3, số 231 Giáp Nhất, Quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Ghi nhận thực tế, đây chỉ là một khu văn phòng chật hẹp vắng người, không có máy móc hay bất cứ hoạt động nghiên cứu nào đang diễn ra.

Vì sao sản phẩm tiểu đường NutriZabet bị Bộ Y tế ‘tuýt còi’? - Ảnh 4.

Viện nghiên cứu Thực phẩm bảo vệ sức khỏe là một cơ sở tư nhân, thuộc sở hữu của Công ty Big Holding và mới được thành lập ngày 20/6/2022.

Trao đổi với chúng tôi, TS Lê Mạnh Cường - Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh khẳng định hiện tại, bệnh viện không có bác sĩ nào tên là An Thị Dung.

Ông Cường cho biết, việc bà Dung mặc áo blouse có in tên Bệnh viện Tuệ Tĩnh hòng đánh bóng hình ảnh là hành vi giả mạo, cần lên án.

"Kể cả là người của bệnh viện thật đi nữa, thì việc mang áo đó ra ngoài bệnh viện để phục vụ các mục đích cá nhân đã không thể chấp nhận được. Đây lại là người ngoài", TS Cường bức xúc.

Sẽ xử lý nghiêm và công khai kết quả

Liên quan đến tình trạng sản phẩm tiểu đường NutriZabet quảng cáo sai sự thật, giả mạo các chứng nhận, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm khẳng định sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm.

"Sản phẩm này đã từng bị Cục cảnh báo. Lần này, chúng tôi sẽ mời đại diện công ty lên làm việc cũng như có biện pháp kiểm tra theo đúng các quy định của pháp luật. Khi có kết quả xử lý sẽ công khai kết quả trên website chính thức của Cục", lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh.